Người dân “than trời” vì hóa đơn tiền điện tăng vọt
Giữa tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có những đề xuất giảm giá điện để kịp thời hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, trong khi chờ quyết định giảm giá điện được thực hiện thì người dân lại sững sờ khi nhận hóa đơn tiền điện tăng cao bất ngờ so với những tháng trước.
Anh C.H (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tôi thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng điện của gia đình, thông thường lượng điện của nhà tôi là khoảng 400 Kwh, tương đương khoảng 1,1 triệu đồng/tháng, nhưng tháng này tăng đến hơn 550 Kwh, số tiền phải trả tăng vọt hơn 1,5 triệu đồng”.
Tình hình điện tăng có thể do mọi người nghỉ ở nhà nhiều nên thời gian và số lượng đồ dùng điện sử dụng nhiều như quạt máy, máy lạnh, tủ lạnh, bóng đèn…nhưng tăng gấp 1/3 lần như vậy thì khá bất ngờ, anh H. chia sẻ.
Ngoài việc bất ngờ thì việc hóa đơn tiền điện tăng cao sẽ gây khó khăn cho các hộ gia đình bởi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của nhiều người mất ổn định nên việc chi tiêu trở nên eo hẹp, nhất là với những công nhân, người lao động tự do đang phải ở thuê.
Chị N. D (ngụ tại quận 12, TP HCM) cũng sững sờ khi nhận được hóa điện tháng 4 bởi cả tháng này vợ chồng chị thất thu vì công việc bị gián đoạn do nghỉ COVID-19, đáng nói là gia đình 5 người đang ở nhà trọ không giảm được đồng nào mà tiền điện tăng từ 400.000 đồng lên gần 600.000 đồng.
“Tình hình dịch bệnh lây lan, nhà nước yêu cầu người dân phải ở trong nhà để hạn chế lây nhiễm, người dân không đi làm được còn tiền điện lại tăng cao, khiến gia đình khó khăn lại càng khổ sở”, chị N.D than thở.
Liên quan đến đề xuất giảm 10% tiền điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp từ tháng 4/2020, nhiều ý kiến cho biết họ rất mong sớm có quyết định chính thức để giảm bớt chi tiêu của nhiều gia đình mặc dù “giảm 10% thật sự chẳng thấm vào đâu và chỉ giảm đối với hộ dùng dưới 300 Kwh”, anh C.H bày tỏ.
Lời lí giải của EVN?
Trước những phản ánh của nhiều hộ dân về việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến trong khoảng thời gian gần đây, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, đây là hiện tượng có tính qui luật thời tiết hàng năm.
Cụ thể, vào tháng 3 hàng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hoà, quạt điện,… tăng cao, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng.
“Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng”, EVN thông tin.
Do đó, sản lượng điện sinh hoạt toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kì năm 2019, trong đó TP Hà Nội tăng 17% và TP HCM tăng 13%. Riêng tại TP HCM, lượng tiêu thụ điện của nhóm hộ gia đình tăng 7,51% trong khi nhóm sản xuất và kinh doanh dịch vụ giảm lần lượt 7,3% và 2,75%.
EVN cũng đã thông báo trước để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình, đồng thời thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng…
Công ty điện lực khuyến nghị khách hàng có thể kiểm tra và so sánh tính chu kì của thời tiết trên hoá đơn tiền điện của thời gian trước đó.
Về việc giảm giá điện, Bộ Công thương đã khẩn trương dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng qui định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN. EVN cho biết sẽ giảm giá điện ngay khi có hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.
Cần giảm giá điện thêm cho người có thu nhập thấp
TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng nên tăng mức giảm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ví dụ giảm 50% cho hóa đơn điện các hộ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, theo báo Thanh niên.
Theo bà, đây là là đối tượng sử dụng điện ít, nhu cầu không nhiều, đa số là hộ nghèo như những người bán hàng rong, bán vé số và đang phải ở nhà trọ tại các thành phố lớn. Hiện nay với qui định cách li xã hội khiến nhiều người không có thu nhập, chạy ăn từng bữa nên cần được hỗ trợ nhiều hơn…
Hiện đề xuất giảm giá điện của Bộ Công Thương theo Báo cáo số 22/BC-BCT đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Theo đó, thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kì ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng.
Do vậy đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các òi hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020.
Trong khi đó, EVN cho biết do chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện nên giá bán điện cho khách hàng của EVN vẫn được thực hiện theo biểu giá hiện hành.
Các mức giảm giá điện đề xuất
Hôm qua (12/4), Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất giảm giá điện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19; giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các bộ ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng qui định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện.
Cụ thể, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm; với mức giảm 10% so với đơn giá hiện hành.
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, giảm 10% so với đơn giá đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 – bậc 4 (dưới 300 kWh/tháng).
Đối với khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, điều chỉnh giá điện giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ này xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.