Quyết định ngừng cấp ngân sách của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của WHO, vì Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Tổng Giám đốc WHO cho biết sẽ làm việc với các đối tác khác để đảm bảo công việc không bị gián đoạn.

Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO trong vòng 60 đến 90 ngày khi chính quyền của ông “xem xét trách nhiệm của WHO trong việc quản lí kém và che đậy sự lây lan của virus corona chủng mới”.

Ông Trump chỉ trích WHO đã phản ứng quá chậm trễ với bùng phát COVID-19, và cáo buộc tổ chức này đã hành động theo hướng thiên vị cho Trung Quốc.

Theo NPR, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/4: “Chúng tôi rất tiếc về quyết định của tổng thống Mỹ. Chúng tôi đang xem xét tác động của việc Mỹ rút tiền tài trợ đến các hoạt động của WHO. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đối tác để lấp đầy bất kì khoảng trống tài chính nào, và đảm bảo rằng công việc của chúng tôi không bị gián đoạn”.

Mỹ đóng góp bao nhiêu cho ngân sách của WHO? Và quyết định của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến công việc của WHO như thế nào?

Mục tiêu của WHO là gì?

Theo mô tả của tổ chức này, WHO là “cơ quan chỉ đạo và điều phối các vấn đề y tế quốc tế trong hệ thống Liên Hợp Quốc”.

WHO điều phối các hoạt động và cung cấp hướng dẫn y tế cho 194 quốc gia thành viên và hai thành viên liên kết (Puerto Rico và Tokelau).

Các hoạt động của WHO bao gồm rất nhiều nội dung, từ việc thúc đẩy phát triển vắc xin bại liệt đến hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em, cho đến việc giữ vai trò lãnh đạo trong việc phản ứng với tình trạng khẩn cấp về y tế.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, và đã cung cấp hướng dẫn cho nhân viên y tế về cách chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong môi trường y tế, và hướng dẫn cho công chúng cách tự bảo vệ mình.

Ngân sách của WHO lớn đến mức nào?

WHO hoạt động dựa theo chu kì ngân sách hai năm. Trong giai đoạn 2020 và 2021, ngân sách để WHO thực hiện các chương trình của mình là 4,8 tỉ USD, tương đương 2,4 tỉ USD mỗi năm.

Ông Lawrence Gostin, Giáo sư luật tại Đại học Georgetown và Giám đốc của Trung tâm Hợp tác về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu thuộc WHO cho biết: “Qui mô ngân sách của WHO tương tự như ngân sách của một bệnh viện lớn ở Mỹ. Số tiền này chỉ bằng khoảng 1/4 ngân sách của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)”.

Bà Jennifer Kates, giám đốc chính sách y tế và HIV toàn cầu tại Kaiser Family Foundation nói: “WHO có 2,4 tỉ USD mỗi năm để tiến hành mọi hoạt động với tư cách là cơ quan y tế toàn cầu, và tổ chức phán quyết các hướng dẫn y tế toàn cầu”.

(Dự toán của WHO vào tháng 5/2019 đã bổ sung thêm 1 tỉ USD cho chu kì ngân sách hiện tại dưới khoản phân bổ cho các trường hợp khẩn cấp).

Tiền của WHO đến từ đâu?

Theo báo cáo từ chu kì ngân sách 2018-2019, 51% kinh phí của WHO đến từ tiền đóng góp hàng năm của các quốc gia thành viên. Những đóng góp này được chia thành hai loại: tiền ước định (tức là phí thành viên) và tiền đóng góp tự nguyện.

Bà Kates, Giám đốc tại Kaiser Family Foundation nói: “Phí thành viên giống như tiền hỗ trợ hoạt động”. WHO có quyền tự do định đoạt dùng số tiền này vào việc gì.

Phí thành viên của mỗi quốc gia được xác định dựa trên sự giàu có và dân số của nước đó.

WHO cũng nhận được tiền đóng góp tự nguyện bổ sung từ các quốc gia, Liên Hợp Quốc, các tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ. Nhưng khác với phí thành viên, các nhà tài trợ thường yêu cầu WHO sử dụng những khoản tiền này để phục vụ cho các mục đích cụ thể.

Khoản phân bổ lớn nhất từ số tiền đóng góp tự nguyện là dành cho bệnh bại liệt, có ngân sách 863 triệu USD trong giai đoạn 2020-2021.

Bà Kates nhận xét: “Điều đó có nghĩa là cách thức phân bổ ngân sách của WHO bị chi phối rất nhiều bởi tác động bên ngoài từ các nhà tài trợ”. Theo bà Kates, theo thời gian, các khoản đóng góp tự nguyện đã dần chiếm phần chủ chốt trong ngân sách của WHO.

Trong chu kì ngân sách 2020-2021 của WHO, 957 triệu USD đến từ phí thành viên và 4,9 tỉ USD đến từ các khoản đóng góp tự nguyện.

Chính phủ Mỹ đóng góp bao nhiêu?

Giáo sư Gostin cho biết: “Trong số các chính phủ tài trợ cho WHO, Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất. Vì vậy ngân sách của WHO phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ”.

Trong chu kì ngân sách hai năm 2018 và 2019, các khoản đóng góp của Mỹ chiếm khoảng 20% tổng ngân sách của WHO.

Đóng góp của chính phủ Mỹ cho WHO được chia thành hai nguồn. Phí thành viên của Mỹ là 237 triệu USD, tương đương 22% – tỉ lệ đóng góp lớn nhất đối với tổng số tiền phí thành viên WHO nhận được từ các quốc gia. Để so sánh, phí thành viên của Trung Quốc chiếm khoảng 12% các khoản phí thành viên, và một số nước có thu nhập thấp chỉ trả 0,1%.

Ngoài ra, theo cổng thông tin ngân sách của WHO, nước Mỹ cũng cam kết viện trợ tổng cộng 656 triệu USD cho các chương trình cụ thể nhằm chữa trị bệnh bại liệt, dịch vụ y tế và dinh dưỡng, các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, bệnh lao, HIV và hoạt động ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Cho tới gần đây, Mỹ cũng là nước đóng góp tự nguyện nhiều nhất cho WHO.

Nhưng đến 31/3, Mỹ vẫn đang trễ hạn thanh toán phí thành viên cho WHO. Hãng tin NPR trích dẫn báo cáo tình trạng thanh toán của mỗi quốc gia của WHO cho thấy chính phủ Mỹ còn nợ 198,3 triệu USD phí thành viên, bao gồm một số khoản nợ từ các năm trước.

Việc Mỹ ngừng cấp ngân sách cho WHO có ý nghĩa gì?
Không ai có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tại cuộc họp báo hôm 14/4, ông Trump nói rằng việc xem xét sẽ mất 60 đến 90 ngày, và chính quyền của ông đang tiến hành một “cuộc điều tra rất kĩ lưỡng”.

Nhưng ông chưa đưa ra chi tiết nào cho biết ông sẽ đình chỉ tài trợ cho WHO theo cách thức nào.

Và hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ có thẩm quyền để đơn phương chấm dứt việc tài trợ cho một tổ chức quốc tế như WHO hay không. Phần lớn vấn đề liên quan tới ngân sách của WHO phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Giáo sư Gostin, Giám đốc của Trung tâm Hợp tác về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu WHO dự đoán: “Ông Trump có lẽ sẽ không thể rút về số tiền đã cam kết và chi trả cho WHO”. Nhưng ông Trump có thể sẽ đình chỉ việc thanh toán các khoản còn tồn đọng, hoặc chỉ đạo các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ thu hẹp qui mô hợp tác với WHO.

Bà Kates, Giám đốc tại Kaiser Family Foundation cho biết: “Một phần lớn các khoản đóng góp tự nguyện của Mỹ cho WHO được chi trả thông qua cấp cơ quan”. Vì vậy, ông Trump có thể yêu cầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngừng cấp tiền cho các dự án của WHO.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *