Người dân đảo ngọc Phú Quốc đang phải sống chung với “đại hồng thủy” sau đợt mưa lớn và kéo dài nhất trong vòng 100 năm qua. Trong khi đó, những trận ngập sau cơn mưa dần trở thành… “đặc sản” của Đà Lạt.
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng chính sự thiếu tầm nhìn phát triển du lịch bền vững của nhà quản lí cùng với sự tham lam của nhà đầu tư đã khiến 2 thành phố du lịch này tiếp tục đối mặt với ngập lụt trong tương lai.
Lời cảnh báo đầu tiên
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tình hình ngập lụt mấy ngày qua ở 2 thành phố du lịch là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lí đô thị của chính quyền. Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.
Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân ngập xuất phát từ công tác quy hoạch chưa bền vững, thiếu không gian dành cho nước. Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu này dù nó rất quan trọng.
“Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước”, kiến trúc sư Nam Sơn dẫn chứng.
Vị chuyên gia này cho biết tình trạng ngập úng là lời cảnh báo để chính quyền xem lại cách phát triển thiếu bền vững của mình. Nếu không xử lí từ quy hoạch, quản lí đô thị thì những năm tới ngập sẽ còn nặng hơn nữa.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chính sự phát triển nóng của hai thành phố du lịch đang làm cho đô thị quá sức chịu đựng dẫn đến ngập lụt ngày càng nhiều. Lẽ ra hạ tầng kĩ thuật phải đầu tư trước rồi mới xây dựng nhà cửa nhưng các thành phố này lại chưa đáp ứng được.
Vị chuyên gia này cho biết Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên những cơn mưa có vũ lượng lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các năm tới. Do vậy, chính quyền phải xác định các giải pháp khắc phục ngay lúc này để giúp cho nước mưa tiêu thoát nhanh hơn.
Gợi ý của chuyên gia để phát triển du lịch cao cấp
Kiến trúc sư Nam Sơn nhận định xu hướng Phú Quốc và Đà Lạt phát triển theo tư duy mét vuông rất nguy hiểm bởi nó không chỉ hình thành nên những khu du lịch rẻ tiền mà các tác động sống đến môi trường, chất lượng sống người dân.
“Dường như nhà quản lí luôn chiều lòng nhà đầu tư, du khách mà không quan tâm đến sức chịu đựng của đô thị. Cách làm này không bền vững bởi để vận hành tốt một đô thị thì cần có không gian xanh, cây xanh mặt nước chứ không thể xây dựng bất chấp. Nhà đầu tư thường suy nghĩ ngắn hạn, họ đầu tư rồi bán kiếm lời chứ ít khi nghĩ về lâu dài cho đô thị”, vị chuyên gia phân tích.
Vị chuyên gia này lo ngại trước giá trị của du lịch giá rẻ mang lại không cao nhưng phải đánh đổi nhiều thứ về môi trường, chất lượng sống. Trong khi đó, với điều kiện thời tiết thuận lợi như Phú Quốc và Đà Lạt, nhà quản lí hoàn toàn có thể phát triển du lịch cao cấp để mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Nếu chính quyền muốn phát triển các khu du lịch bình dân thì nên làm ở khu vực ngoại thành thay vì cấp phép xây dựng chen chúc trong nội đô.
Kiến trúc sư Nam Sơn cho rằng lãnh đạo hai thành phố này… muốn sửa sai thì phải sửa từ chiến lược, quy hoạch. Thành phố cần có quyết tâm rõ ràng về chiến lược phát triển du lịch cao cấp ở khu trung tâm và khu du lịch bình dân cách xa nội thành.
“Như ở khu Hòa Bình (Đà Lạt), muốn xây nhà cao tầng, bê tông hóa thì vài năm nữa khu vực này cũng ngập. Ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn nhận điểm trừ từ du khách. Để phát triển bền vững thì Đà Lạt và Phú Quốc cần phải cân nhắc đến không gian cho nước ở khu trung tâm”, vị chuyên gia khuyến cáo.