Tính đến 7h sáng nay (22/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,5 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 177.402 người đã tử vong và 690.034 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tròn 6 ngày không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (22/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 216 người đã khỏi bệnh, còn 52 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế.
Như vậy, đã 6 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.
Tính đến sáng nay, có 67.022 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 358 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 18.263 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 48.401 người. Số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 12, lần 2 là 8. Dự kiến trong hôm nay sẽ có thêm 6 ca được công bố khỏi bệnh.
Đến nay đã có 33/63 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.
Trên thế giới: Mỹ ngưng cấp thẻ xanh trong 60 ngày
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 817.952 ca nhiễm và 45.279 ca tử vong, tăng lần lượt 25.193 và 2.765 ca so với một ngày trước đó.
New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với gần 15.000 ca tử vong. Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Khi suy thoái kinh tế bắt đầu gay gắt, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/4 tuyên bố Mỹ sẽ tạm thời dừng nhập cư vào nước này trong 60 ngày (áp dụng đối với người xin thẻ xanh) để cứu khoảng 22 triệu người thất nghiệp khi quốc gia này mở cửa trở lại.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá hơn 480 tỉ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, bệnh viện cũng như thúc đẩy công tác xét nghiệm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá hầu hết các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Mỹ.
Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi chiếm tới 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Tại Tây Ban Nha – ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 204.178 ca nhiễm và 21.282 ca tử vong, tăng lần lượt 3.968 và 430 ca trong vòng 24h qua.
Tây Ban Nha tuyên bố sẽ hủy bỏ lễ hội đua bò hàng năm của mình ở Pamplona. Tuy nhiên, trong một tuần nữa, trẻ em ở Tây Ban Nha sẽ được phép đi ra ngoài cùng cha mẹ sau hơn 1 tháng ở trong nhà theo lệnh phong tỏa.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang có những diễn biến cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 2.729 ca nhiễm và 534 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 183.957 và 24.648 ca.
Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 21/4 cho biết sẽ sớm tiết lộ kế hoạch bắt đầu mở cửa lại đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh này.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 158.050 ca nhiễm và 20.796 ca tử vong, tăng lần lượt 2.667 và 531 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại quốc gia này sẽ kết thúc sau ngày 11/5.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 148.453 ca nhiễm và 5.086 ca tử vong; tăng lần lượt 1.388 và 224 ca so với một ngày trước đó.
Trong khi Đức đang cho phép các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại, chính quyền bang Bayern đã chính thức quyết định hủy Lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest), lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới ở Đức để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch COVID-19.
Đến sáng nay, Anh – ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.301 ca nhiễm COVID-19 và 828 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 129.044 và 17.337 ca. Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà, nhưng các nghị sỹ vẫn quyết định mở cửa Quốc hội trở lại.
Tại Châu Á, ghi nhận đến sáng nay, Iran đã vượt Trung Quốc và trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực với 84.802 ca nhiễm và 5.297 ca tử vong, tăng lần lượt 1.297 và 88 ca so với một ngày trước đó.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.758 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong.
Thành phố Vũ Hán – nơi virus khởi phát vẫn nhuốm màu sợ hãi về sự bùng phát của căn bệnh này, theo AFP.
Mặc dù thành phố công nghiệp đã được kiểm dịch cách đây hai tuần, nhưng nhiều nhà hàng đã không mở cửa trở lại hoặc chỉ có thể cung cấp chỗ ngồi ngoài trời và mang đi.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 9.125 ca nhiễm, song số ca tử vong vẫn là 11,không thay đổi sau nhiều ngày qua. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách li xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.
Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 7.135 ca nhiễm và 616 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 375 và 26 ca so với một ngày trước đó.
Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 6.599 ca nhiễm và 437 ca tử vong, tăng lần lượt 140 và 9 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.482 ca nhiễm và 92 ca tử vong. Sau 2 ngày liên tiếp không có thêm ca tử vong thì hôm qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 3 trường hợp.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 19 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên và tử vong lên 2.811, trong đó có 48 ca tử vong. Chính phủ Thái Lan ngày 21/4 đã thông qua việc tự động gia hạn thị thực cho người nước ngoài thêm 3 tháng nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/4 đã đưa ra cảnh báo, một khi dịch COVID-19 chưa chấm dứt thì không một quốc gia nào an toàn trước nguy cơ dịch tái bùng phát.