Tính đến 7h sáng nay (16/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 134.058 người đã tử vong và 509.880 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tổng số ca nhiễm tăng lên 268
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 6h sáng nay (16/4), Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc mới, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 268, trong đó 171 người đã khỏi bệnh và 97 người đang điều trị tại 14 cơ sở y tế.
Trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 1 người ở ổ dịch Hạ Lôi. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.
Tính đến sáng nay, có hơn 68.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 471 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 11.500 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 56.00 người.
Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.
Trên thế giới: Số ca tử vong hàng ngày ở Pháp cao kỉ lục
Tính đến 7h sáng nay (16/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 644.061 ca nhiễm và 28.526 ca tử vong, tăng lần lượt 30.178 và 2.479 ca so với một ngày trước đó.
Đến nay, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 15/4 ra lệnh cho 19 triệu cư dân bang này phải đeo khẩu trang hoặc đồ thay thế, yêu cầu người dân trong bất kì tình huống nào cũng phải cách xa nhau ít nhất hai mét.
Trong khi đang vấp phải sự chỉ trích vì tuyên bố cắt viện trợ cho WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ ủy quyền cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.
Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Cụ thể, Tây Ban Nha – ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 180.659 ca nhiễm và 18.812 ca tử vong, tăng lần lượt 6.599 và 557 ca trong vòng 24h qua.
Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau hai tuần áp dụng trên toàn quốc. Từ ngày 13/4, công nhân làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần hết hạn.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm hàng ngày. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 2.667 ca nhiễm và 578 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 165.155 và 21.645 ca.
Quốc gia này gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng như hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em mở cửa lại từ 14/4.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 147.863 ca nhiễm và 17.167 ca tử vong, tăng lần lượt 4.560 và 1.438 ca (cao kỉ lục) so với một ngày trước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 134.753 ca nhiễm và 3.804 ca tử vong; tăng lần lượt 2.543 và 309 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15/4 đã tuyên bố những bước đầu tiên trong việc tháo gỡ các hạn chế khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Theo đó, hầu hết các cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại khi họ có kế hoạch đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, các trường học vãn phải đóng cửa cho đến ngày 4/5 và lệnh cấm đối với các sự kiện công cộng lớn sẽ được duy trì cho đến ngày 31/8.
Đến sáng nay, Anh – ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.603 ca nhiễm COVID-19 và 761 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 98.476 và 12.868 ca.
Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục – ổ dịch đầu tiên và là ổ dịch lớn nhất Châu Á ghi nhận tổng cộng 82.295 trường hợp nhiễm COVID-19 (chủ yếu là ca từ nước ngoài) và 3.342 ca tử vong.
Chính phủ nước này đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch COVID-19 khởi phát hồi cuối năm ngoái.
Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 76.389 ca nhiễm và 4.777 ca tử vong, tăng lần lượt 1.512 và 94 ca so với một ngày trước đó.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Philippines hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 5.453 ca nhiễm và 349 ca tử vong, tăng lần lượt 230 và 14 ca.
Indonesia – quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực đa vượt Malaysia trở thành ổ dịch lớn thứ 2 tại Đông Nam Á. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 5.136 ca nhiễm và 469 ca tử vong; tăng lần lượt 297 và 10 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ nước này đã công bố các biện pháp hỗ trợ người dân thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của các hạn chế như hỗ trợ lương thực, giảm giá điện và miễn thuế.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 3 khu vực ghi nhận tổng cộng 5.072 ca nhiễm và 83 ca tử vong, tăng lần lượt 85 và 1 ca so với một ngày trước đó. Nước này đã ra lệnh đóng cửa biên giới, đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người.
Singapore hôm qua ghi nhận thêm 447 ca nhiễm COVID-19 (tăng kỉ lục) và 1 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.699 và 10 ca. Trái ngược với tốc độ tăng số ca nhiễm hàng ngày, số ca tử vong hàng ngày tại quốc gia này lại có xu hướng tăng rất chậm.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi dân chúng hy sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nhằm hạn chế lây nhiễm virus.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 30 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.643 và 43 ca.
Hôm qua (15/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo những quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế cần đợi ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo.